Trang Hạ
Có nghe một câu ở đâu đó, rằng một người trong đời chắc chắn phải làm điều này: Viết một cuốn sách, trồng một cái cây, đẻ một đứa con, hoặc nuôi nấng một đứa trẻ. Nếu không, chẳng phải là chúng ta đã đi qua trái đất này một cách phí hoài ư?
Cuốn sách đầu đời mình được xuất bản năm 1995. Đó là một tập truyện ngắn. Đó là cũng là tập truyện ngắn duy nhất của Trang Hạ. Sau 20 năm, dù đã đăng truyện ngắn khắp gần như mọi mặt báo trên toàn quốc, mình vẫn không muốn xuất bản tập truyện ngắn thứ hai. Chỉ vì chưa có duyên với người biên tập sách văn học nào có mắt xanh.
Mình đã là mẹ ba con. Tiêu xài phần lớn tuổi trẻ và thời gian vào lũ nhóc.
Nhưng cho đến giờ chắc không mấy ai - kể cả ông xã mình - biết rằng, mình từng trồng cả một vạt rừng trên Lâm trường Ba Vì. Năm đó mình mới mười lăm tuổi, rời Hà Nội vác cuốc lên rừng, mỗi buổi chiều tối đi theo chân các cô (và cả chú nữa) công nhân lâm nghiệp quay về khu nhà ở công nhân trong tiếng kẻng âm u phát ra từ vỏ bom, nhìn lên những đám mây lẩn sương mù giăng giữa các sườn đồi cao tiếp nối, trong lòng mình buồn bã vô kể!
Không bao giờ quên những con rận đói (và sau 1 hôm thì thành rận kềnh càng) ẩn giữa những manh chiếu cói cũ trải trên những chiếc giường sắt khu nhà công nhân cấp bốn, mưa thì dột theo mạch ngói vỡ rơi xuống đầu giường.
Mình xách chiếu đi ra ngoài sân xi măng loang lổ, dỗ mạnh mấy cái, rận xám rụng xuống lả tả vài chục con, sợ không dám giết dù biết hàng đêm biết đâu rận lại bò chầm chậm vào qua khe cửa gỗ ghép vào nhà. Cứ chiều đi làm về là mình phải dỗ lại cái chiếu cá nhân.
Nhà văn Trang Hạ. |
6h sáng lại nghe tiếng kẻng gọi dậy, và 9h tối là lúc đi ngủ, mình nằm, áp tai vào cái đài pin bé tí xíu như bàn tay, cố nghe chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam qua sóng AM. Có hôm đứa bạn ngủ giường bên yêu cầu vặn to lên, mình vặn hết cỡ "Đọc truyện đêm khuya" mà chúng nó chả nghe thấy cái gì vì pin quá yếu.
Những hố đất đặt xuống những cây tràm bông vàng, những cây keo lá tràm, vắt búng từ đất và cỏ chui vào ống quần, vào khe ngón chân, máu rỉ ra mới biết vừa bị vắt cắn...
Ngày nào mình cũng mong tiếng kẻng nghỉ làm lúc 5h chiều, vác cuốc xuống núi, đẩy theo cái xe cải tiến chở cây giống. Mình nghĩ trong đầu mình có bị điên khùng không nhỉ, cứ nghĩ miên man khi đi trong từng tràng kẻng vỏ bom...
Ai trải qua thời bao cấp mới biết, có những người, dù sống sung túc phong lưu sau này ra sao, thì trong tâm hồn vẫn có nguyên cảm giác, tôi vẫn còn dừng lại cái thời nghèo khó xa xưa... Tôi vẫn đi giữa một buổi chiều có tiếng kẻng, tay rướm máu vì cán cuốc gỗ xù xì, nghĩ rằng phía sáng lên từng đêm kia có khi là phía Hà Nội...
Những cây keo cây tràm tôi trồng trên cả vạt đồi trống huơ cỏ cháy năm ấy không biết bây giờ đã thành cây 20 tuổi chưa, có sống sót được qua thời tiết và lâm tặc hay không.
Mẹ tôi cũng thường có thói quen trồng những cây lớn ở quê, dọc đường cái gần làng cũ, trong đình, trên khu mộ và nhà lưu niệm, ở sân chùa... Mẹ tôi mất lâu rồi, những cái cây mẹ tôi trồng còn sống lâu hơn mẹ tôi!
Tôi nghĩ rằng, những người đã trồng cây, thậm chí trồng nhiều cây, sẽ xứng đáng là người có tư cách để chất vấn UBND thành phố Hà Nội về việc đốn hạ cây lớn và phải được nhận câu trả lời. Vì họ trồng cây chứ không bấm "like".