00:13 25/03/2015
Cô dâu tổ chức tiệc cưới lung linh với 200 triệu đồng
Với chi phí vừa phải, cô dâu Thu Hà và chú rể Maikel tổ chức tiệc cưới ấm cúng, gần gũi và được trang trí đẹp tại một nhà hàng trung tâm Hà Nội với quy mô nhỏ gọn, chỉ gồm 80 khách.

Cặp đôi Thu Hà - Maikel tổ chức đám cưới tại Hà Nội vào những ngày sát Tết Ất Mùi. Lịch trình đám hỏi, đón dâu, đám cưới của hai người diễn ra khá gấp gáp, gói gọn trong 3-4 ngày. Chú rể chỉ có thể về Việt Nam chuẩn bị mọi việc cho đám cưới trước một tháng. Bản thân cô dâu cũng làm việc ở TP HCM, chỉ ra Hà Nội trước đám cưới hai tháng để chính thức lo liệu mọi việc. Cặp đôi tổ chức lễ ăn hỏi vào ngày 4/1, buổi tối cùng ngày tổ chức tiệc cưới dành cho bạn bè. Ngày 6/1 đón dâu và trưa hôm đó, bố mẹ đãi tiệc dành cho khách mời của gia đình.

co-dau-Thu-Ha-1-5288-1427194055.jpg

Cô dâu Thu Hà. Ảnh: Lieta studio.

- Chị có thể giới thiệu đôi chút về bản thân và chú rể?

- Chú rể của tôi là người Bỉ, chúng tôi quen nhau khi cùng làm việc với nhau. Tình yêu cũng là yêu xa, không phải lúc nào cũng có thể ở cạnh nhau, đến khi chuẩn bị đám cưới, cũng là cùng chuẩn bị đám cưới từ xa.

- Hai người bắt đầu chuẩn bị đám cưới từ bao giờ?

- Tôi bắt đầu chuẩn bị đám cưới trước khoảng 8 tháng. Vì tôi làm việc ở Sài Gòn, chú rể lại thường xuyên ở Bỉ, mà đám cưới lại diễn ra ở Hà Nội nên tôi liên hệ với wedding planner ở Hà Nội để họ giúp đỡ mọi việc được suôn sẻ, dễ dàng hơn. Tôi và êkíp tổ chức đã bàn bạc với nhau rất nhiều về ý tưởng trang trí, kế hoạch, qua email, từ đó thống nhất từng chi tiết nhỏ. Việc thuê wedding planner khá tiện cho những người không có nhiều thời gian như tôi, vì họ lên kế hoạch cẩn thận, giúp đỡ mình rất nhiều việc.

Trước đám cưới 2 tháng, tôi ra Hà Nội. Lúc đó tôi hoàn toàn chưa có gì, váy cưới cũng chưa có nên từ thời gian đó tôi mới chính thức bắt đầu chuẩn bị.

- Ngay khi có kế hoạch cưới, chị định hình phong cách đám cưới như thế nào?

- Thực ra tôi là một người không quá cầu kỳ, điều quan trọng nhất với tôi là đám cưới ấm cúng, vui vẻ, tuy không cần sang trọng hoành tráng, nhưng cũng không phải kiểu tổ chức chóng vánh, lấy lệ. Vì tôi mời khá nhiều bạn bè từ nước ngoài, cũng có gia đình chú rể từ Bỉ sang, nên điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để khi họ vượt cả chặng đường dài sang Việt Nam, họ sẽ được tham dự một đám cưới vui vẻ, để lại nhiều kỷ niệm, như vậy tôi mới cảm thấy ý nghĩa.

Hình ảnh tiệc cưới lung linh của cặp đôi Thu Hà - Maikel

- Thường đám cưới ở Việt Nam vẫn cần có sự quyết định khá lớn của bố mẹ, vậy gia đình nói gì về đám cưới vui vẻ như chị dự định?

- Tôi nghĩ bố mẹ nào cũng muốn tổ chức một đám cưới long trọng để “nở mày nở mặt” với họ hàng, bạn bè và mình cũng nên tôn trọng điều đó. Với gia đình tôi, tôi là con cả, nên bố mẹ cũng có tâm lý cần phải tổ chức đám cưới đầy đủ cho “con đầu cháu sớm”. Để hài hòa cả với gia đình và ý muốn của bản thân, tôi quyết định tổ chức hai bữa tiệc: một bữa tiệc truyền thống dành cho khách mời của bố mẹ, gia đình, còn một bữa tiệc phong cách hiện đại một chút, chỉ có bạn bè của chúng tôi và gia đình thân nhất.

Với đám cưới dành cho gia đình, bố mẹ sẽ là người giúp đỡ tôi phần lớn. Đám cưới này cũng diễn ra như những hôn lễ khác, cũng mời vài trăm khách, cô dâu chú rể làm lễ trên sân khấu rồi đi chúc rượu từng bàn.

Còn về đám cưới của riêng tôi và bạn bè, bố mẹ tôi không phản đối. Với tiệc cưới dành cho bạn bè, tôi mời ít. Kể cả bố mẹ, khách mời của chúng tôi có khoảng 80 người, trong đó có khoảng gần 30 khách nước ngoài vì chú rể là người Bỉ, chúng tôi lại cùng làm việc ở một công ty nước ngoài. Nhiều đồng nghiệp chung của chúng tôi dù không làm việc ở Việt Nam nữa nhưng vẫn hào hứng đặt vé máy bay về dự, làm tôi rất xúc động. Cũng vì toàn khách thân thiết, nhiệt tình như vậy nên tôi muốn tổ chức đám cưới ấm cúng, là bữa tiệc để chào đón họ.

Về chi phí, hai chúng tôi tự lo liệu, tự đóng góp với nhau. Vì bố mẹ cũng đã phải lo tiệc cưới truyền thống rồi.

- Chị đầu tư vào tiệc cưới dành cho bạn bè bao nhiêu?

- Chúng tôi phải tính toán trước kinh phí khá kỹ. Nhưng đến thực tế, cũng có chuyện này chuyện kia phát sinh, chi phí vì thế cũng phát sinh nhẹ. Nếu ước tính sơ sơ tiệc dành cho bạn bè có thể tốn khoảng 200 triệu đồng.

Đó cũng là tiệc cưới dành cho bạn bè duy nhất của chúng tôi. Nhiều người lấy chồng ngoại quốc cũng sẽ tổ chức cưới ở quê hương chú rể nữa, nhưng chúng tôi không làm như vậy mà chỉ đám cưới ở Hà Nội này thôi. Thực tế, nếu dành số tiền này để tổ chức đám cưới với quy mô, khách mời tương tự ở Bỉ thì không đủ.

- Cụ thể các khoản chi của chị thế nào?

- Trong tổng số tiền chi cho đám cưới, tôi chia chi phí các việc ước tính thế này:

+ Tiệc đãi khách: 24% của tổng ngân sách.

+ Tổng chi chi phí rượu, đồ uống và phí cần thanh toán cho nhà hàng khi đem rượu vào: 12%

+ Trang trí và wedding planner: 40%

+ Trang điểm, chụp ảnh, quay phim, hệ thống âm thanh ánh sáng và ban nhạc: khoảng 13%

+ After party: khoảng 6%

+ Các loại chi phí khác như áo dài, váy phù dâu, váy cưới, bánh cưới: 5%

co-dau-Thu-Ha-2-3636-1427194055.jpg

Cô dâu chú rể làm lễ trong không gian tiệc cưới lung linh. Ảnh: Lieta studio.

- Ngoài việc cùng lo chi phí, chị và chú rể trao đổi, phối hợp công việc với nhau ra sao trong tổ chức đám cưới?

- Chú rể chỉ có thể lắng nghe, bàn bạc và cùng tôi đưa ra quyết định, chứ không thể tự làm các việc vì anh vừa ở xa, vừa lại không quen dịch vụ ở Việt Nam, nên hầu như tôi lo liệu hết. Nhưng anh cũng rất biết san sẻ việc. Vì tôi đã lo đám cưới rồi, nên anh sẽ lo tuần trăng mật. Tuần trăng mật của chúng tôi kéo dài 3 tuần, đi theo kiểu “phượt”, vừa khám phá, vừa cả nghỉ dưỡng, nên anh là người lên lịch trình, chọn địa điểm, tìm mọi thứ cần thiết ở nơi sẽ đến.

- Khó khăn chị nhớ nhất trong đám cưới là gì?

- Với tôi, việc truyền tải cho chú rể hiểu về truyền thống cưới hỏi của Việt Nam là điều không dễ. Tuy chúng tôi tổ chức đám cưới hiện đại thật, nhưng ngoài tiệc đó, vẫn cần có những nghi lễ truyền thống như ăn hỏi, đón dâu. Gia đình tôi vẫn còn bà nội, bà ngoại, các cụ vẫn muốn con cháu phải có lễ cưới đầy đủ nghi lễ truyền thống, nên tôi cũng phải giải thích cho chú rể.

Nhiều khi giải thích bằng lời không đủ, tôi còn viết hẳn một email rất dài, kể cho anh về truyền thống của người Việt như thế nào, về những gì chúng tôi phải làm trong lễ ăn hỏi, đón dâu. Ban đầu anh cũng khá lạ lẫm, có khi cũng băn khoăn, bối rối vì văn hóa khác biệt, nhưng may mắn, anh là người rất chịu khó chiều vợ, nên anh cũng lắng nghe và nhiệt tình thực hiện.

Trước đám cưới, chúng tôi còn tổ chức lễ Hằng thuận là lễ cưới ở chùa vào tháng 9. Bởi vì mẹ tôi có theo đạo Phật, tôi cũng muốn mẹ vui nên có hỏi mẹ về việc vào chùa lễ tạ, cầu may cho đám cưới, sau đó mẹ tìm hiểu thấy lễ Hằng thuận cũng ý nghĩa, nên quyết định thực hiện nghi lễ này. Lần đầu tiên chú rể được tham dự lễ cưới ở chùa nên anh rất hào hứng, vui vẻ.

- Nhiều cô dâu lấy chồng ngoại quốc chia sẻ, nhà gái sẽ là người lo liệu hết công việc đám cưới. Vậy chị thì sao?

- Đúng là lấy người nước ngoài thì mình phải hỗ trợ nhiều hơn bình thường. Tôi phải đi tìm hiểu rồi đặt đồ lễ ăn hỏi, trang phục, mọi thứ cần thiết trong các nghi lễ truyền thống. Vì gia đình họ cũng không thể tự đi đặt đồ lễ được, còn mình ở Việt Nam sẵn, quen biết dịch vụ sẵn rồi thì mình nên làm cho họ, vì đó cũng là cho đám cưới của mình.

Trước đó tôi cũng bàn với chú rể là anh có thể tìm được bao nhiêu phù rể, để làm thành đội bê tráp, sau đó tôi sẽ tìm phù dâu để thành đội tương ứng và đặt số lượng tráp đủ với số người. Đến chuyện thử áo dài bê tráp cũng vất vả, vì cả đội bê tráp và đỡ tráp đều mặc áo dài truyền thống, cần đặt áo ở Việt Nam. Phù rể hoàn toàn là người nước ngoài, vóc dáng cao lớn, nhưng họ không đến thử trước được. Lúc đó tôi chỉ có thể đặt áo dài cỡ lớn nhất để hy vọng vừa với những chàng Tây cao lớn. Với phù dâu, 3 người trong số 5 phù dâu của tôi cũng là người nước ngoài, nên lại phải lấy số đo của họ để đặt được thiết kế hợp nhất. Có những người chỉ sang trước đám cưới vài ngày. Nhiều khi, tôi đi đón phù dâu phù rể ở sân bay và chở họ thẳng tới cửa hàng áo dài thử áo luôn, lúc đó có cần sửa đổi gì thì phải sửa ngay mới kịp.

Tôi bận rộn chạy tới chạy lui cửa hàng thuê trang phục cưới nhiều lần đến nỗi, chủ hàng còn tưởng tôi là người tổ chức đám cưới, không phải là cô dâu, vì không ai nghĩ cô dâu lại tất bật như vậy. (Cười)

Bù lại những khó khăn, tới ngày ăn hỏi, đội nam mặc áo dài vàng, đội nữ mặc áo dài màu đỏ tạo nên đội hình rất đẹp. Ai cũng thích thú với hình ảnh các chàng trai Tây cao kều diện áo dài rực rỡ.

co-dau-Thu-Ha-2064-1427194055.jpg

Cặp đôi rạng rỡ trong lễ ăn hỏi. Ảnh: Lieta studio.

- Cuối cùng tiệc cưới mà chị mong đợi diễn ra thế nào?

Tuy việc chuẩn bị bận rộn, nhưng tới ngày cưới, mọi việc đều hoàn thiện. Tiệc cưới của tôi diễn ra rất vui. Việc trang trí không có gì phải phàn nàn vì đã có wedding planner là người sắp xếp, lên kế hoạch mọi việc từ trang điểm, quay phim, trang trí, đãi tiệc... Họ cũng nhiệt tình hỗ trợ để kịch bản đám cưới diễn ra, tôi không phải lo gì về đám cưới cả.

Ngày ấy tôi chỉ cần quan tâm tới khách mời, toàn là người thân thiết nên mình cũng có nhiều thời gian giới thiệu chú rể với bạn bè, chuyện trò cùng mọi người. Cuối buổi tiệc còn có một nghi lễ truyền thống của người Bỉ, đó là tới cuối tiệc, một bản nhạc được bật lên, tất cả mọi người sẽ cùng quay chiếc khăn ăn, tạo nên không khí rộn rã, sôi nổi.

Ngày cưới tôi nhớ nhất những lời của nhiều người bạn nước ngoài bảo với tôi: “Tao chưa giờ tham dự một đám cưới ấm cúng, tự nhiên mà vui vẻ như của mày”.

Chú rể và gia đình cũng thấy thú vị vì được tham dự nhiều nghi thức cưới truyền thống, hiểu thêm về văn hóa Việt. Như vậy là tôi đã cảm thấy tiệc cưới của mình thành công rồi.

Cảm ơn chị đã chia sẻ cùng Ngoisao.net!

Xem clip ghi lại không khí đám cưới của cô dâu Thu Hà và chú rể Maikel:

Hair Idol 2016