Hai đất nước có nền văn hóa “kinh dị” lớn nhất
Những năm trở lại đây, Mỹ và Thái Lan là hai quốc gia nổi trội nhất về mảng phim kinh dị. Phim kinh dị Mỹ khởi đầu từ rất sớm, vào khoảng đầu thế kỷ 20 với những bộ phim câm ngắn. Nối tiếp sau đó là sự xuất hiện của hàng loạt quái nhân, quái vật như thằng gù nhà thờ đức Bà trong The Hunchback of Notre Dame, tiến sĩ có thể biến hình thành một tên khổng lồ trong Dr. Jekyll And Mr Hyde, khủng long trong thế giới The Lost Word hay bóng ma trong nhà hát The Phantom Of The Opera...
Nước Mỹ là cái nôi của dòng phim kinh dị.
Thái Lan tham gia vào cuộc đua trễ hơn bắt đầu cùng Mae Nak Phra Khanong vào năm 1958 và mãi tới 15 năm sau mới ra lò phim tiếp theo, Krasue Sao (Ghosts of Guts Eater). Mae Nak và Krasue đều là những điển tích cổ của văn hóa dân gian Thái Lan, riêng Mae Nak thôi đã có tới hơn 20 phiên bản khác nhau từ truyền hình đến phim chiếu rạp.
Mãi đến vài năm trở lại đây, phim kinh dị của Thái Lan mới thực sự bùng nổ nhờ một phân đoạn nhỏ trong tác phẩm kinh điển The Eye của anh em nhà Pang, tiếp đến là bộ ba phim Three của đạo diễn Thái Lan gạo cội Nonzee. Nhưng "khủng khiếp" nhất vẫn là siêu phẩm Shutter của cặp đôi đạo diễn Banjong Pisonthanakun và Parkpoom Wongpoom.
Tượng đài kinh dị Shutter của Thái
Khác biệt phong cách “dọa ma”
Phong cách hù dọa của Mỹ thường đánh mạnh vào các yếu tố bạo lực máu me là chủ yếu. Những bộ phim kinh điển ngày xưa như The Shinning, Psycho... đa phần đều khiến người xem ấn tượng bởi những màn rượt đuổi, hành xác hay tạo hình gớm ghiếc đầy máu me của các nhân vật. Đơn cử như The Exorcist (1973), mặc dù thuộc thể loại tâm linh siêu nhiên nhưng vẫn rất rùng rợn với tạo hình cô bé Regan khi bị quỷ nhập, khuôn mặt bị rách nát, tự bẻ cổ hay làm tổn thương bản thân với những phương pháp tàn bạo nhất.
Cảnh phim kinh dị của The Exorcist
Không tính đến các bộ phim được đầu tư rất kỹ càng như The Sixth Sense, The Others... thì hầu hết các phim kinh dị của Mỹ gần đây đều xuất hiện những màn hù dọa đơn giản, cốt truyện không có chiều sâu khi chỉ tập trung vào giết người hàng loạt hoặc những màn rượt đuổi của các quái vật, thiếu đi không khí kinh dị ma mị ám ảnh như những bậc tiền bối ngày xưa.
Trong khi đó 90% số lượng phim kinh dị Thái Lan thường xoay quanh vấn đề ma quỷ tâm linh như vong hồn, ma nữ và các trò chơi ngải vốn nổi tiếng ở đất nước Chùa Vàng. Tạo hình ma quỷ của Thái cũng gần giống với mặt bằng chung của Châu Á: tóc dài, mặt trắng bệch cùng với mấy bộ đồ dài lòng thòng, luôn lả lướt trong các khung hình. Mức độ máu me của các phim này cũng không thua kém gì phim Mỹ, điển hình như trong loạt phim Art of Devil có đủ các màn hành xác ngập máu khiến bạn rụng rời tay chân. Khả năng lồng ghép các tình tiết hài hước hài hòa với kinh dị của phim ma Thái còn khiến khán giả cười ra nước mắt dẫu lập tức sau đó bị hù ma tím tái mặt mày.
Bộ phim kinh dị 3 A.M được trình chiếu tại rạp Việt cách đây không lâu có rất nhiều cảnh hài hước.