15:41 18/12/2014
Nghi thức cưới ở nhà thờ tại Việt Nam
Uyên ương bắt buộc đều phải theo đạo, nếu không hai người chỉ được làm một buổi lễ nhỏ gọi là 'phép chuẩn', không đầy đủ nghi thức như lễ cưới chính thống.
10-4997-1418892079.jpg

Nhật Kim Anh và chồng trao lời thề nguyện trong đám cưới tại TP HCM.

Tổ chức đám cưới trong không gian nhà thờ là điều nhiều cô dâu mơ ước, bởi qua những bộ phim, bộ ảnh, hình ảnh cô dâu lộng lẫy bước trên lối đi trải rộng của nhà thờ là khung cảnh tuyệt đẹp. Ngày 17/12 vừa qua, diễn viên Nhật Kim Anh đã tổ chức cưới trong nhà thờ ở TP HCM. Trước đó, một số sao Việt cũng chọn cưới trong nhà thờ như Ngô Quỳnh Anh, Di Băng, hay Tăng Thanh Hà cưới ở một nhà thờ lớn tại Philippines....

Nhưng để tổ chức cưới tại nhà thờ, uyên ương cũng cần hiểu biết một số yêu cầu dưới đây.

1. Theo đạo

Không phải cô dâu nào cũng biết, điều kiện bắt buộc khi muốn làm lễ kết hôn trong nhà thờ, đó là cả cô dâu và chú rể đều phải theo đạo. Ngoài ra, đôi uyên ương sẽ phải cùng theo học một khóa học giáo lý tiền hôn nhân do nhà thờ tổ chức, thời gian có thể khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng, tùy theo từng nhà thờ.

Nếu một trong hai người cô dâu hoặc chú rể không theo đạo, buổi lễ thành hôn chỉ có thể diễn ra nhỏ gọn, nhanh chóng, gọi là "phép chuẩn". Việc kết hôn sẽ diễn ra dưới sự làm chứng của vài người, không đầy đủ như Thánh lễ hôn phối chính thống.

Trước đó, cặp đôi phải đăng ký kết hôn theo dân sự tại phường, xã. Như vậy mới đủ điều kiện tổ chức cưới tại nhà thờ.

2. Chọn nhà thờ

Không phải uyên ương muốn tổ chức cưới ở bất cứ nhà nào cũng được, mà phải làm lễ ở nơi cô dâu hoặc chú rể sinh sống, đa số uyên ương chọn tổ chức cưới ở nhà thờ tại giáo xứ của cô dâu. Nếu muốn làm lễ cưới ở nhà thờ khác, phải có giấy ủy quyền của cha xứ tại giáo xứ của uyên ương gửi tới cha xứ của nhà thờ muốn tổ chức cưới.

12-9021-1418892079.jpg

Cô dâu Nhật Kim Anh ký tên vào sổ Hôn phối sau khi nghi thức thành hôn hoàn thành.

3. Các thủ tục cần thiết

- Uyên ương tới gặp cha xứ, trình bày nguyện vọng tổ chức cưới. Sau đó cha xứ sẽ làm tờ khai hôn phối cho hai người để biết hai người có theo đạo hay không.

- Cha xứ giúp uyên ương học giáo lý.

- Khi cặp đôi đã hoàn thành khóa học và quyết tâm tiến tới hôn nhân, cha xứ sẽ làm lời rao hôn phối, rao trong ba ngày chủ nhật ở giáo xứ cả hai bên cô dâu và chú rể. Đây là nghi thức thông báo cho mọi người biết, chia vui, đồng thời nếu có ngăn trở hay có ý kiến phản đối, cha xứ sẽ xem xét.

- Cuối cùng, cha xứ sẽ quyết định ngày cử hành hôn lễ.

4. Nghi thức kết hôn

- Lễ cưới sẽ diễn ra tại nhà thờ với người làm chứng, người chứng hôn (thường cha xứ đảm nhận nhiệm vụ này).

- Uyên ương sẽ trao đổi lời thề nguyện bên nhau trọn đời.

- Làm phép thành hôn và uyên ương trao nhẫn cưới

- Sau khi thủ tục đã xong, cặp đôi sẽ ký tên vào sổ Hôn phối của nhà thờ.

Cử hành hôn lễ trong nhà thờ, dưới sự chứng giám của cha xứ và người thân sẽ khiến đôi uyên ương hiểu được tầm quan trọng của hôn nhân cũng như cuộc sống gia đình. Đồng thời, cặp đôi cũng có trách nhiệm trọn đời bên nhau, cùng chăm sóc con cái, gìn giữ hôn nhân bền vững.

Linh Linh

Hair Idol 2016