Xuân Hiếu chính thức giới thiệu đến khán giả album “Mẹ chân quê” hợp tác cùng nhà thơ Mai Phước Lộc. Nhạc sĩ “Vì yêu” cũng là người “xông đất” thị trường băng đĩa những ngày đầu năm.
Xuân Hiếu “xông đất” thị trường băng đĩa đầu năm
Album “Mẹ chân quê” gồm 8 ca khúc mới do Xuân Hiếu phổ từ những bài thơ của Mai Phước Lộc. Với những khán giả đã biết tới âm nhạc của bộ đôi này từ album trước, một lần nữa sẽ được thưởng thức những giai điệu đẹp cùng lời ca nhiều suy ngẫm. Với những khán giả mới, có thể sẽ bất ngờ khi biết tới một dòng ca khúc trữ tình sâu lắng, đẹp về giai điệu và sâu sắc về lời ca, được đặt trên một nền hòa âm rất cầu kỳ, với dàn dây rất êm ái, đẹp và du dương cùng tiếng kèn saxophone ngọt ngào vốn đã là “thương hiệu” của Xuân Hiếu. Và cùng với âm nhạc ấy, là những giọng hát được yêu thích bậc nhất hiện nay của dòng nhạc trữ tình, cả trong nước và hải ngoại.
Nhạc sĩ Xuân Hiếu - nhà thơ Mai Phước Lộc
Ở album “Mẹ chân quê”, sự hòa quyện giữa thơ và nhạc đã ở một mức độ rất cao, có những bài hát không dễ cho người nghe nhận diện là thơ có trước hay nhạc được soạn trước rồi Mai Phước Lộc mới đặt vào đó những ca từ thích hợp một cách hoàn hảo, như ở các bài “Mẹ chân quê” hay “Kỹ nữ giọt sầu”. Là một nhạc sĩ sáng tác đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn saxophone, Xuân Hiếu sở hữu một vốn giai điệu dày dặn phong phú và Mai Phước Lộc đã đưa cả một đời sống đầy đặn của mình vào những bài thơ, để người đọc, người nghe có thể nhận thấy một thế giới tinh thần phong phú của anh, từ gia đình, tình yêu, tới những cuộc dịch chuyển của một người đam mê nhiếp ảnh và làm từ thiện…
Về phong cách âm nhạc, rất dễ nhận ra đây là một album nhạc trữ tình đặc trưng, thiên về màu sắc nhạc quê hương. Nhưng nhạc sĩ Xuân Hiếu đã biết cách làm cho chất trữ tình trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều khi đặt mỗi bài hát vào một không gian âm nhạc khác nhau tùy thuộc vào nội dung và ý nghĩa của mỗi bài thơ. Người nghe sẽ nhận thấy các phong cách như thính phòng trữ tình, quê hương âm hưởng dân ca, chất nhạc jazz nhẹ (smooth jazz)…
Những phong cách ấy dù có sự khác biệt lẫn nhau, nhưng đặt cạnh nhau thì phù hợp với tinh thần một album có nhiều suy tưởng hướng nội, mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ về tình thân gia đình, về những thân phận chúng ta bắt gặp trong đường đời của mình. “Mẹ chân quê”, “Rau quê ngoại”, “Cám ơn mẹ”… là những nhạc phẩm cảm động về tình mẹ với âm hưởng dân ca sâu đậm: “Đời ta”, “Ai cho tôi”… mang đậm phong cách trữ tình kiểu nhạc tiền chiến, giai điệu đẹp làm nền cho những suy tư sâu xa trong lời hát: “Tiếc chi em”, “Kỹ nữ giọt sầu”, mang màu sắc thính phòng diễn tả những cảm xúc buồn của chính bản thân hay trước những số phận tình cờ gắn vào nhau trong đời. Đây là hai bài hát khá đặc sắc rất gần với phong cách nhạc trữ tình ở miền Nam những năm 60 - 70.