09:03 21/03/2015
Phải chăng nghèo cũng là một lợi thế
Sự nghèo khó là một lợi thế thôi thúc con người phấn đấu, giúp họ có ước mơ để vươn tới cái mà họ đang thiếu.

Vali

Ai đó đã từng nhắc nhau thế này “Nghèo là một cái tội”. Câu nói hàm ý rằng, nghèo thì phải chịu sự miệt thị của xã hội. Những người nghèo cũng thường hay than thở rằng, vì tôi nghèo nên tôi không học giỏi là đúng thôi, vì tôi nghèo nên tôi phải đi ăn xin, ăn cắp để mà tồn tại, vì sống trong cảnh nghèo nên tôi bị bạo hành gia đình.

Những điều họ than thở chẳng sai. Nhưng tôi muốn nói rằng, xin đừng lấy cái nghèo của bạn ra để ngụy biện cho tất cả những sai lầm và sự lười biếng của bạn. Vì anh bạn tôi nghèo đi làm phụ hồ vẫn học giỏi, vì rất nhiều người nghèo khác vẫn tự lao động kiếm tiền chứ không hành nghề ăn xin, trộm cắp, vì bạo lực gia đình thì phải trách bạn chọn sai chồng trước chứ không phải hoàn toàn do gia cảnh.

Và bây giờ, tôi muốn bạn nghĩ khác đi. Với tôi, nghèo là một lợi thế.

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Hương Vân, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghèo như thế nào à? Nhà nội tôi ở gần con sông. Mỗi năm mùa nước lũ đi qua, chúng tôi luôn chuẩn bị tinh thần rằng, cơn lũ ấy sẽ cuốn đi bất cứ thành quả nào của một năm làm lụng vất vả. Có hôm đang nằm ngủ, mở mắt dậy đã thấy nước ngập lai láng, thau chậu xoong nồi trôi bì bõm.

Tôi còn nhớ trận lụt lịch sử năm 1999 nhấn chìm 20 huyện thị xã miền Trung làm ít nhất 595 người chết. Để sống sót, lũ trẻ chúng tôi phải leo lên mái nhà, ngồi chờ trực thăng cứu hộ đi qua rải mì xuống ăn cho đỡ đói. Chúng tôi đã ngồi co ro trên mái nhà như thế suốt 2 ngày đêm chờ cho có thuyền đến đón. Món cơm độn hột mít đã là một món ăn nuôi sống tôi cả thời gian dài.

Hồi lớp 4, tôi được chuyển vào thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước học. Đó được xem như là một thành phố mới đối với tôi. Giờ làm văn, cô giáo bảo tả con vật mà em yêu thích. Thay vì những đứa trong lớp đi tả con mèo, con chó, tôi đi tả con trâu. Tôi bảo con trâu da đen, bẩn, xấu xí, thường bị con người đem ra so sánh lúc họ khinh miệt một ai đó với những câu ví quen thuộc “Đen như trâu!”, “Lì như trâu!”... Nhưng dù xấu xí, thấp hèn, chỉ có trâu là con vật duy nhất ở quê tôi chịu đứng yên cho con người cưỡi, chẳng phân biệt người đó giàu hay nghèo, sang hay không sang. Cũng chỉ có trâu là con vật duy nhất nai lưng trên những cánh đồng cùng bác thợ cày làm ra hạt gạo, giúp người dân quê tôi thoát khỏi cái đói. Lũ trẻ ở thành phố vốn chẳng biết con trâu thế nào nên bị tò mò bởi bài viết của tôi. Tôi tự hỏi, nếu như không lớn lên từ nông thôn, nếu không có những tháng ngày nghèo khó đi chăn dắt trâu ấy, hẳn tôi đã chẳng có cái để kể lại trong bài văn. Phải chăng, nghèo là một lợi thế?

1-4334-1426741183.jpg

Vali (tên thật Võ Thị Mỹ Linh) sắp giới thiệu cuốn tiểu thuyết "Bên kia đồi".

Hồi học cấp hai, chúng tôi có học môn kỹ thuật. Lúc đó, cô giáo tôi bắt chúng tôi đan rổ. Hầu hết học sinh đều lấn cấn không biết làm sao đan. Nhưng tôi đã hoàn thành được một cái rổ rất đẹp. Dĩ nhiên, tôi có nhờ sự trợ giúp của ông nội tí xíu. Vì nhà nội tôi nghèo quá, không có tiền mua rổ nên tất cả rổ rá đều tự đan. Bài kỹ thuật hôm ấy tôi cũng được điểm cao nhất lớp. Phải chăng, nghèo lại là một lợi thế?

Năm học lớp 8, máy tính Casio là một thứ xa xỉ đối với tôi. Hầu hết tôi đều tự tính tay vì không có máy tính để học. Tôi đã nhịn ăn sáng để tích cóp tiền nhưng không đủ. Thương tôi, anh hai tôi đã đi phát cỏ cho nhà hàng xóm một tuần để lấy tiền mua máy cho tôi. Tôi mân mê nó như một báu vật. Năm đấy, tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi giải toán trên máy tính Casio và đi thi thố với các tỉnh còn lại. Nếu không nghèo, liệu tôi có mân mê cái máy tính để rồi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi như thế không?

Lên cấp 3, nhà tôi không có tiền mua máy vi tính cho tôi học. Năm nhất đại học, khi một người bạn yêu cầu tôi làm file thuyết trình bằng phần mềm Power point, tôi đã rụt cổ vì không biết Power point là cái quái gì. Bạn tôi đã cười tôi một cách khinh bỉ chỉ vì lý do tôi chưa bao giờ được chạm tay đến cái máy vi tính. Nhưng chính vì cái cười khinh bỉ ấy, đã khiến tôi có động lực để vươn lên. Tôi trở về ký túc xá và quyết định mua các tờ báo về máy vi tính để đọc, nghiên cứu cách sử dụng các phần mềm rồi thời gian rảnh ra tiệm Internet để thực hành. Sau hai tháng miệt mài, tôi trở thành cộng tác viên của tờ báo “Làm Bạn Với Máy Vi Tính” với các bài viết chỉ cách sử dụng hiệu quả các phần mềm như Photoshop, Cool Edit, Movie Maker, Microsoft Picture... Ngày lãnh nhuận bút đầu tiên được 200 ngàn, tôi mời đám bạn đi ăn lẩu. Đám bạn trầm trồ thán phục tôi. Còn tôi thì tự hỏi, phải chăng nghèo là một lợi thế giúp tôi quyết tâm hơn để không bị bạn bè khinh bỉ?

Cơn bão tuyết lịch sử của Nepal ngày 14/10/2014 khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, 17 người mất tích trong tổng số 168 người tham gia leo núi trên cung đường Annapurna Circuit. Mọi người luôn cho rằng, lý do tôi sống sót là may mắn. Nhưng với tôi, một phần lý do giúp tôi sống sót là nhờ cái nghèo. Vì nghèo nên lúc ở Ấn Độ, mỗi ngày tôi cuốc bộ 12 km để đi học bởi không có tiền chi trả cho bus hoặc xe kéo. Chân tôi quen với việc đi bộ nên dĩ nhiên khi leo núi, tôi đã không gặp bất cứ trở ngại nào kể cả lúc lạc vào thung lũng tuyết. Cũng vì nghèo, tôi đã tự học cách chăm sóc bản thân mình sao cho tốt nhất. Nên khi mọi người run sợ bão đến, tôi vẫn bình tĩnh giải quyết vấn đề. Phải chăng, nghèo lại tiếp tục là một lợi thế giúp lưu giữ mạng sống của tôi?

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, những tỷ phú, những người thành công trên thế giới hầu hết đều có gia cảnh xuất thân từ nghèo khó.

Steve Jobs, cha đẻ của Apple sinh ra là trẻ mồ côi, được một cặp vợ chồng không mấy khá giả tại California nhận về làm con nuôi và ông từng bỏ ngang đại học vì không đủ tiền đóng học phí.

Michael Dell, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn sản xuất máy tính nổi tiếng thế giới Dell từng là người phục vụ, chuyên rửa chén đĩa trong một nhà hàng Trung Quốc với mức lương 2,3 USD/giờ.

Howard Schultz, chủ thương hiệu café Starbucks có tuổi thơ lớn lên từ khu ngoại ô nghèo Canarsie, Brooklyn nơi mà cha ông làm nghề lái xe ba gác.

Francois Pinault, ông trùm của các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Stella McCartney, Alexander McQueen… từng phải bỏ học vì bị bạn bè trêu trọc, kỳ thị bởi gia cảnh quá nghèo.

Sheldon Adelson, ông trùm sòng bạc Las Vegas là con trai của một tài xế taxi, năm 12 tuổi từng đi bán báo rong, bán kẹo, phát tờ rơi để kiếm sống. Del Vecchio – ông chủ công ty sản xuất kính lớn nhất thế giới với các thương hiệu như RayBan và Oakley từng bị gửi tới trại trẻ mồ côi vì người mẹ góa phụ không thể chăm sóc.

Nếu không sinh ra và lớn lên trong gia cảnh nghèo có, liệu những tỷ phú trên có tìm được động lực để thay đổi cuộc đời như bây giờ không?

Vậy, hẳn nghèo đã là một lợi thế thôi thúc họ phấn đấu, giúp họ có ước mơ để vươn tới cái mà họ đang thiếu. Bởi những người giàu thì đủ đầy quá rồi, đôi khi họ không biết họ ước mơ gì, mong muốn gì, phấn đấu vì điều gì. Thế nên, thay vì ngồi đó than thở “nghèo là một cái tội”, hãy nghĩ rằng, nghèo là một cơ hội, là một lợi thế. Bởi những người giàu không thể dùng tiền để mua được cái lợi thế mà người nghèo đang có. Và bởi những người nghèo, luôn có những câu chuyện, những hồi ức đẹp nhất mà không phải người giàu nào cũng may mắn trải qua….

Chưa bao giờ tôi thấy nghèo lại là một lợi thế lớn như lúc này. Bởi thế nên một học trò nghèo học giỏi luôn được người ta ca tụng. Bởi thế nên anh nhà giàu có học giỏi mấy thì người ta cũng bĩu môi cười khẩy, giàu mà, có gì hay ho đâu. Bởi thế nên một cô siêu mẫu từng đi bán vé số luôn được người ta mến mộ hơn cô siêu mẫu có bố mẹ là đại gia. Bởi thế nên hôm phỏng vấn tôi, cô phóng viên một tờ tạp chí cứ cố tình thêm thắt những tình tiết nghèo khổ vào để mong nhận được sự đồng cảm từ độc giả.

Xã hội chưa bao giờ hết sự bao dung hoặc cạn kiệt lòng nhân đạo. Nhưng cái cách mà nhiều người đang làm là lấy cái nghèo ra để đổ lỗi, để ngụy biện cho sự lười biếng, không chịu cố gắng của mình. Ai sẽ khiến bạn giàu lên, ai sẽ cảm thông cho cái nghèo của bạn nếu cả bản thân bạn cũng bằng lòng và chấp nhận với cái nghèo đó?

Hair Idol 2016