10:10 24/03/2015
Nếu con bạn là nạn nhân của bạo lực học đường
Hãy gọi điện thoại cho cô giáo trong tình trạng bình tĩnh nhất có thể, đừng nghiến răng hay khóc lóc với cô.

Chương Đặng

Phản ứng tự nhiên và bản năng nhất của mẹ là ngay lập tức gọi điện thoại cho cô giáo vừa hậm hực tức giận, vừa đau khổ thất vọng, và ngay hôm sau đưa con đến trường để tham gia xử lý vụ việc, bất chấp sự ngăn cản của nhà trường. Tệ hơn, nếu mẹ có cơ hội gặp được bạn gây án là mẹ sẽ dằn mặt câu quen thuộc: ”Con mà bắt nạt con cô một lần nữa thôi, con sẽ biết tay cô!”.

Mẹ chẳng ý thức rằng mẹ đang đẩy bé vào vòng nguy hiểm. Mẹ tưởng rằng mẹ sẽ bảo vệ được bé, nhưng đó chỉ là hành động giống như chú gà mái mẹ thôi, dựng lông xù cánh mặt đỏ tía tai... mẹ đã ngay lập tức biến bé thành con mồi thú vị cho những kẻ thích gây hấn. Trò chơi sẽ càng thú vị hơn khi nạn nhân phản kháng quyết liệt trong tội nghiệp và lo lắng. Hãy thay đổi.

- Khi thấy con mình về nhà với thương tích, mẹ cần thật bình tĩnh, đừng để cảm xúc che lấp sự khôn ngoan của lý trí. Hãy dành thời gian để lo vết thương cho con; khi chăm sóc vết thương hãy nói với con về cách phòng tránh nhiễm trùng, cách thay băng, cách xử lý khi thấy máu, cách thăm khám vết sưng… Và quan trọng nhất là vết thương đã hình thành trong hoàn cảnh nào, té ngã vì xô đẩy hay sử dụng hung khí, vô tình hay xô xát, và sự can thiệp của bên thứ ba là trong khoảng thời gian bao lâu, cô giáo xuất hiện khi nào, và cô đã nói gì đầu tiên, những người phát hiện con đầu tiên với thương tích đã nói gì, và họ đã làm gì cho con.

- Hãy gọi điện thoại cho cô giáo trong tình trạng bình tĩnh nhất có thể, đừng nghiến răng hay khóc lóc với cô. Hãy lấy thông tin từ cô để đối chiếu với câu chuyện của bé rồi đề nghị cô cách hành xử thích hợp, và yêu cầu cô những chú ý đặc biệt, nhưng không làm khó cô. Không khuyến khích cô vì quá ngại phụ huynh học sinh mà có ý canh chừng bé, không cho bé ra chơi hay sinh hoạt ngoài trời thoải mái nữa.

- Nếu vụ việc chưa quá nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu của băng nhóm thanh toán nhau, hay có sử dụng cây gỗ, vật nhọn cứng, hay dây thun được cất giấu làm vũ khí trong trường… thì hãy tránh tiếp cận với bạn đã bắt nạt con. Hãy tạo tình huống khác để chứng minh cho các bạn khác rằng ba mẹ có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào nên các bạn ấy hãy từ bỏ suy nghĩ tiếp tục bắt nạt con. Ví dụ hỏi hôm bữa con kể cho mẹ về cây bàng trong sân trường, mẹ muốn vô coi, mẹ muốn con chỉ cho mẹ cái cây đó, tán cây lớn thế nào, con muốn leo lên cây như thế nào. Xin phép cô giáo cho mẹ và con vài phút với cái cây, chỉ trỏ xem xét… Lúc đó bạn nhỏ từng gây án sẽ rất “teo” vì tưởng là mẹ con bàn tính vụ việc thanh toán, mà sao thấy im re thì bạn sẽ cẩn trọng hơn.

baoluc-9761-1427103548.jpg

Ảnh minh họa.

- Hãy nói chuyện với con về cách giao tiếp với bạn; hãy giúp con tự tìm ra cách để tránh bị cô lập, tránh trở thành “con mồi”, cách để tìm sự trợ giúp từ bạn bè khác hay cô giáo, cách dập tắt sự hậm hực của đám đông, cách đáp trả hiệu quả để rút lui trong an toàn. Đa phần, những vụ xô xát của trẻ em vì tức giận hay quá khích đám đông mà mất kiểm soát để rồi sẽ hối hận ngay sau đó, hãy giúp con đưa ra quyết định nhanh gọn và tránh là nạn nhân của vụ mất kiểm soát ấy. Đừng bao giờ để con suy nghĩ mình bị phân biệt đối xử vì vẻ bề ngoài, điều kiện kinh tế, hay những mặc cảm cá nhân, hãy chiến đấu chuyên nghiệp như phải thế, chứ không nổi giận hay phản kháng thiếu suy nghĩ.

- Hãy kiên nhẫn giúp con tự trưởng thành, hãy xây dựng chiến thuật chống bạo hành riêng của con, và đừng phẫn uất nếu con tiến triển chậm. Một lần bạn làm thay con là một lần bạn làm chậm lại thậm chí đảo ngược tiến trình ấy.

- Hãy bình thản thu thập dữ liệu, từng thông tin nhỏ nhặt nhất và ghép chúng lại thành một chiến lược vĩ đại cho con; bài học ngày hôm nay có thể rất nhỏ, nhưng xa hơn trong môi trường đại học, công sở, sự nghiệp, môi trường sống và hàng vạn điều khác trong đời con cũng sẽ tương tự như thế.

- Con chỉ có thể mạnh mẽ, tự tin, và học bài học của riêng mình bằng cách tự giải quyết mâu thuẫn và đạt thắng lợi khi tranh chấp.

Mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau, có những em sinh ra để đi bắt nạt và có những em khác sinh ra để bị bắt nạt; nhưng may mắn là đa phần cha mẹ thông thái đã giúp trẻ biết kìm hãm những tính cách không phù hợp và phát triển những cá tính có lợi cho cộng đồng. Chưa bao giờ bạo lực có thể dập tắt bạo lực; nhưng yêu thương và bao dung thì có thể.

Hair Idol 2016