16:28 23/03/2015
Chuyên gia tư vấn: Tự viết kịch bản lễ cưới
Không thể chuẩn bị, trang trí đám cưới một đằng, rồi viết kịch bản theo một kiểu hoàn toàn khác với mục đích 'cho lạ'. Đám cưới đặc biệt hay không, không chỉ do kịch bản.

Kịch bản cho lễ cưới là một phần rất quan trọng. Nhiều cô dâu chú rể muốn trao toàn bộ phần chuẩn bị này cho wedding planner để không phải lo lắng gì khác, nhưng đó không phải là cách làm tốt nhất. Ít nhất, lễ cưới diễn ra như thế nào vẫn phải do cô dâu chú rể quyết định. Nếu thuê wedding planner, bạn đưa ra ý tưởng, wedding planner là người sẽ hệ thống và hiện thực ý tưởng của bạn. Nếu tự chuẩn bị, chính uyên ương cũng có thể tự viết kịch bản cưới. Chuyên gia tổ chức đám cưới Như Cầm sẽ đưa ra những lời khuyên để các cặp đôi tự viết kịch bản cho ngày trọng đại.

nhucam-wedding-team-4867-1427102781.jpg

Ảnh: NhuCam Wedding Team.

Kịch bản phải là một phần của đám cưới và không thể tách rời. Cô dâu chú rể không thể viết một kịch bản mang tính truyền thống với xe xích lô, áo dài, khăn đóng cho một đám cưới diễn ra ở không gian rất Tây của khách sạn; bạn cũng không thể mang cây dừa, thuyền thúng vào những bàn tiệc với ly tách kiểu châu Âu. Những điều đó sẽ làm đám cưới trở thành một mớ hỗn độn và tạp nham.

Kịch bản cưới phải hài hòa với không gian, âm nhạc, trang phục (của cô dâu chú rể, khách mời) và phù hợp với tính chất của đám cưới. Không thể chuẩn bị, trang trí đám cưới một đằng, rồi viết kịch bản theo một kiểu hoàn toàn khác với mục đích "cho lạ". Đám cưới của bạn đặc biệt hay không, không chỉ do kịch bản.

Với nhiều yêu cầu như vậy, nhưng không phải chỉ người tổ chức đám cưới chuyên nghiệp mới có thể viết kịch bản cưới mà cô dâu chú rể cũng tự làm được.

1. Hệ thống kịch bản lễ cưới

Thông thường một kịch bản cưới sẽ chia làm 3 phần:

A. Trước đám cưới: Đây là khoảng thời gian trước lúc vào làm lễ (với thời gian khoảng một tiếng tùy lượng khách mời và thời gian cô dâu chú rể dự định làm lễ). Trong khi chờ đợi hôn lễ, bạn không thể để khách mời ngồi không. Thông thường, các cặp đôi sẽ mở slide hình cưới chiếu trên màn hình, nhưng bạn nên có những tiết mục thu hút hơn:

- Giải trí: Thay vì slide ảnh truyền thống, cô dâu chú rể xây dựng thành clip đám cưới hoặc sắp xếp những bức ảnh thành câu chuyện, làm khách mời thấy thú vị hơn. Có thể trang trí không gian đón khách bằng hình ảnh của hai người để khách mời có nhiều thời gian tham quan, xem ảnh.

- Sắp xếp khách vào chỗ ngồi với những người quen biết, để những người tới sớm có thể nói chuyện cùng nhau.

- Chuẩn bị vài món ăn nhẹ như bàn bánh ngọt, hoa quả, nước khoáng... để khách dùng trong khi chờ đợi.

B. Hôn lễ: Đây là phần quan trọng nhất của đám cưới. Một kịch bản thường có một số bước cơ bản sau, nhưng tùy theo mục đích và sở thích, cô dâu chú rể cần xây dựng theo cách thể hiện phù hợp.

- Giới thiệu cô dâu, chú rể

- Giới thiệu hai bên gia đình

- Các nghi thức hẹn ước: cắt bánh, rót rượu

- Cảm ơn mọi người đã tới chung vui

C. Đãi tiệc sau hôn lễ: Phần này thường chia làm hai nửa rõ rệt.

- Nửa đầu buổi tiệc: Khoảng thời gian từ món khai vị đến món thứ hai là lúc mọi người thưởng thức món ăn. Mọi tiết mục văn nghệ, hay trò chơi ở thời điểm này đều phản tác dụng vì không ai chú ý, thậm chí có thể gây bực mình.

- Nửa sau buổi tiệc: Cô dâu chú rể có thể sắp xếp những trò chơi đơn giản cho khách mời trẻ tuổi, bạn bè.

+ Có thể dẹp bàn ghế sáng một bên và cùng nhau khiêu vũ.

+ Tặng quà cảm ơn lúc nào cũng là hợp lý nhất.

+ Cô dâu chú rể có thể cùng khiêu vũ (First dance) nếu đám cưới mang phong cách phương Tây.

nhucam-wedding-team-2-8430-1427102781.jp

Ảnh: NhuCam Wedding Team.

2. Những lưu ý khi lên kịch bản cưới

- Điều quan trọng nhất cần nhắc lại, kịch bản lễ cưới phải hài hòa với không gian, âm nhạc, trang phục của mọi người và tính chất đám cưới.

- Nếu tự viết kịch bản, cô dâu chú rể cần bàn bạc với người quản lý nơi tổ chức tiệc cưới để có sự thống nhất. Vì có một số nơi không cho cặp đôi tự làm chương trình riêng mà chỉ có gói chuẩn bị có sẵn.

- Ở những nơi cho phép, bạn nên tận dụng những dịch vụ mà nơi tổ chức cung cấp như máy chiếu, phông nền, âm thanh, ánh sáng.

- Nên thương lượng với nhà hàng, khách sạn để cho bạn một hoặc hai buổi chạy thử chương trình, để chỉnh sửa những điều không phù hợp.

- Kịch bản phải rõ ràng, chi tiết và phân công cụ thể công việc.

- Tốt nhất cần có một người làm đạo diễn tổng thể. Cô dâu chú rể có thể nhờ họ hàng, bạn bè thân, hoặc nhờ chính người chịu trách nhiệm tại tiệc, hoặc nhờ tới wedding planner. Cô dâu chú rể không nên tự điều phối mọi việc, vì ngày cưới, cặp đôi sẽ là nhân vật chính, bạn không thể lo lắng, đốc thúc công việc chu toàn.

- Thời gian đón khách không nên quá lâu, khoảng tiếng là đủ. Tránh để những người có mặt phải chờ đợi những người đến muộn.

- Thời gian của nghi thức thành hôn cũng cần gọn nhẹ, tầm 15-20 phút là đủ.

- Trong nghi thức lễ, nếu có người lớn thì bạn nên tránh các màn ca múa nhạc tạp kỹ không phù hợp.

- Nếu uyên ương định làm điều gì đặc biệt (hát cùng nhau, khiêu vũ…) thì phải chắc rằng hai bạn đủ tự tin để thực hiện trước vài trăm khách mời.

>> Tham khảo một kịch bản lễ cưới cụ thể

Như Cầm

cnhucam.jpg

Chuyên gia tư vấn các việc cơ bản
để chuẩn bị cho đám cưới Việt

Hair Idol 2016