Phán quyết này đã gây ra những tranh cãi liên quan đến “quyền được lãng quên” của mỗi cá nhân. Nhân vụ này, một vấn đề được nêu ra: quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận, cái nào quan trọng hơn?
Google phải xóa thông tin cũ của người dùng.
Tòa án châu Âu yêu cầu Google phải gỡ bỏ đường liên kết dẫn tới các trang chứa đựng thông tin liên quan đến sai sót về việc đóng thuế vào năm 1998 của một luật sư Tây Ban Nha theo khiếu kiện của ông này. Như vậy, tòa án phần nào đã đồng ý với lập luận của nguyên đơn: Chuyện đó đã quá cũ và không còn quan trọng.
Phán quyết nói trên được một số người ủng hộ tại Mỹ. Ông Glenn Gabe, chủ tịch một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tiếp thị kỹ thuật số cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và diễn viên ngôi sao G-Squared Interactive, cho biết nhiều người có chuyện không hay trong quá khứ và họ muốn quên đi nhưng thông tin đó vẫn còn lưu giữ lâu dài trên mạng. Ông Gabe nêu một trường hợp: “Họ đã đi tù! Họ đã trả giá bằng 10 năm tù nhưng món nợ trong quá khứ còn nằm trong một trang nào đó từ Google”.
Tuy nhiên, theo đài VOA, một số nhà hoạt động vì quyền riêng tư ở Mỹ lại bất đồng với phán quyết của Tòa án châu Âu. Đứng đầu nhóm Diễn đàn về Tương lai Quyền Riêng tư Jules Polonetsky nói rằng phán quyết trên đã giới hạn quyền tự do thông tin - vốn được Hiến pháp Mỹ công nhận và nhấn mạnh quyền này cần phải được bảo vệ. Ông Polonetsky bình luận: “Nếu điều đó hợp pháp thì đây là cái tát cho sự minh bạch thông tin. Theo đó, một thông tin công khai có thể bị che đậy bởi một cá nhân nào đó có thể quyết định việc không cho người khác tiếp cận điều liên quan đến bản thân mình”.