1. Mẹo làm bánh ngon
Nguyên liệu làm bánh
Sử dụng nguyên liệu tươi mới và tốt nhất có thể. Không sử dụng nguyên liệu gần hết hoặc đã hết hạn. Các loại bột nở, men nở nếu để lâu có thể cũng sẽ kém tác dụng. Với các loại bánh dùng nhiều bơ thì sử dụng bơ ngon sẽ giúp bánh ngon hơn. Với trứng, hãy cố gắng dùng trứng tươi nhất có thể (đặc biệt là khi làm các loại bánh dùng lòng trắng trứng đánh bông như sponge cake, chinffon.. trứng kém tươi thì đánh sẽ kém bông, gây ảnh hưởng đến độ nở và chất lượng của bánh). Luôn rây bột, bột nở và đường để tránh bị vón cục.
Cân đong các loại nguyên liệu chính xác. Sử dụng cân và bộ thìa đong tiêu chuẩn. Không dùng đơn vị là thìa nhỏ hay thìa canh và không đong kiểu áng chừng nhé.
Nhiệt độ của các nguyên liệu: phần lớn các nguyên liệu (trứng, sữa, bơ) nên được để ở nhiệt độ phòng để giúp cho bánh đạt chất lượng tốt nhất (tức là nếu bảo quản trong tủ lạnh thì trước khi làm bánh nên để ra ngoài cho hết lạnh). Trường hợp ngoại lệ là kem tươi đánh bông, kem tươi để lạnh hoặc rất lạnh sẽ bông nhanh hơn là kem nguội. Ngoài ra còn cần chú ý: trứng nếu cần tách lòng đỏ và trắng thì nên tách khi còn lạnh sẽ dễ hơn và bơ để giúp nguội nhanh có thể cắt miếng nhỏ hoặc cán dẹt
Trộn bột
Tuân thủ theo đúng quy trình trộn bột - không kết hợp lung tung. Với các loại bánh có sử dụng bột nở, cần lưu ý là sau khi trộn bột nở với chất lỏng thì cố gắng trộn ít nhất có thể. Chẳng hạn với muffin method để làm muffin, pancake, waffle,.. hầu hết các tài liệu đều hướng dẫn là chỉ trộn rất nhanh và vừa đủ để không còn bột khô trong bát. Tuyệt đối không trộn đến khi hỗn hợp bột mịn mượt vì điều này sẽ làm cho bánh bị chai cứng, nở kém và có nhiều ống rỗng bên trong.
Nếu sử dụng các loại quả khô thì nên rửa bớt lớp đường bên ngoài và xóc đều với một lớp bột khô, rồi trộn vào hỗn hợp bột cuối cùng. Việc bao bột cho quả khô sẽ giúp các loại quả và hạt này không bị chìm xuống dưới đáy khi nướng bánh.
Trong quá trình trộn nên thường xuyên vét thành âu để bột được trộn đều. Sau khi đổ bột vào khuôn thì dùng spatula hoặc thìa gỗ dàn đều mặt. Với các loại bánh “nặng” như pound cake có thể gõ khuôn xuống bàn vài cái để các bọt khí to vỡ bớt, giúp bánh mịn hơn.
Với các loại bánh có sử dụng lòng trắng trứng đánh bông hoặc kem tươi đánh bông, trộn bột đúng kỹ thuật fold để giữ được độ bông xốp của nguyên liệu. Bột trộn xong nên mang đi nướng luôn, để lâu dễ làm ảnh hưởng đến độ nở của bánh.
Nướng bánh
Lò nướng tại gia đôi khi hay có vấn đề về nhiệt độ, chẳng hạn như nhiệt độ trong lò cao hơn hoặc thấp hơn nhiệt độ điều chỉnh bên ngoài (tốt nhất là nên có một cái nhiệt kế cho lò nướng). Hoặc lửa trên nóng hơn lửa dưới. Nắm được “bệnh” của lò thì nướng đỡ vất vả hơn.
Bật lò và chỉnh nhiệt độ cần thiết trước khi nướng khoảng 10-15 phút. Chống dính khuôn cẩn thận (trừ những loại bánh yêu cầu không chống dính khuôn như chinffon). Ở bên này mình dùng loại spray chống dính khuôn, chỉ cần xịt đều vào lòng khuôn là xong, rất tiện. Có một cách khác là dùng bơ hoặc dầu ăn phết đều lên lòng và thành khuôn. Tiếp theo phủ bột kín đều rồi úp ngược khuôn cho bột thừa rơi ra ngoài.
Khay nướng và khuôn thường được đặt ở chính giữa lò (trừ trường hợp có ghi chú khác trong công thức hoặc lò có vấn đề về nhiệt độ). Các khuôn nướng không được chạm vào nhau vì sẽ làm ảnh hưởng đến việc truyền nhiệt và độ nóng của khuôn. Khuôn nướng cũng không được chạm vào thành lò. Ngoài ra khuôn màu sáng và khuôn màu tối cũng hấp thụ nhiệt khác nhau (khuôn tối màu hấp thụ nhanh hơn)
Thời gian nướng sẽ khác nhau tùy thuộc vào kích cỡ khuôn. Chỉ nướng trên 1 khay trong lò (không nướng nhiều khay 1 lúc)
Kiểm tra bánh chín khi bánh còn đang ở trong lò. Bánh chín là khi thành bánh hơi co lại và tách khỏi thành khuôn (trừ sponge và chinffon). Ngoài ra, khi cắm một que tăm vào chính giữa bánh rút lên thấy sạch, khô.
Nếu trong công thức không có chỉ dẫn đặc biệt thì bánh thường được để trong khuôn từ 5 đến10 phút rồi mới lấy ra để lên rack cho nguội hẳn. Bánh khi còn nóng thì thường dễ vỡ/ gẫy cho nên cần nhẹ tay và cẩn thận khi lấy bánh ra khỏi khuôn.
Nếu muốn trang trí bánh với kem, đường… thì bánh cần phải để nguội hẳn rồi mới trang trí.
Để bánh bao không bị vàng
Sau khi hấp chín bánh bao, nếu thấy vỏ bánh bị vàng, bạn hãy đổ bớt một ít nước trong nồi và cho vào nó một ít dấm. Hấp tiếp bánh khoảng 15 phút nữa, bánh sẽ trắng trở lại.
Hấp bánh không bị dính khay
Nếu thấy bánh bị dính khay, sau khi bánh được hấp chín, bạn mở vung nồi ra và hấp tiếp tục thêm 3-4 phút nữa, bánh sẽ không còn dính vào khay.
Làm bánh quy, bánh ngọt ngon hơn
Khi làm bánh, bạn nên cho một ít bia vào bột mỳ, bánh sẽ dậy mùi thơm hơn. Để bánh xốp và ngon nên đánh trứng và đường thật bông, đến khi nhúng chiếc đũa vào thấy trứng dính keo lại ở đầu đũa là được. Sau đó cho bột vào quấy thật nhanh và nhẹ tay. Nên để bánh nguội khoảng 10-15 phút rồi mới lấy ra khỏi khuôn để tránh bị hấp hơi nước, mất ngon.
Cắt bánh gato không bị dính dao
Để khi cắt bánh gatô không bị dính dao, trước khi cắt nên ngâm dao trong nước sôi một lúc, rồi dùng dao nóng để cắt.
2. Mẹo bảo quản bánh
Cách cất giữ bánh ngọt
Để bánh ngọt vào hộp kín, cho vào một lát bánh mỳ mới, khi thấy bánh mỳ cứng nên thay ngay lát bánh mỳ khác. Bánh ngọt sẽ giữ được trong thời gian dài mà không bị biến chất.
Cắt và bảo quản bánh mỳ
Nếu muốn cắt bánh mỳ thật hoàn hảo, trước khi cắt đem dao hơ nóng rồi mới cắt. Bánh mỳ sẽ không bị dính vào nhau và không bị vỡ ra.
Còn nếu muốn bảo quản bánh mỳ thì cho bánh mỳ ăn không hết vào túi nilon để cất giữ. Chú ý cho vào túi đựng một cành rau cần rửa sạch, có thể giữ được mùi vị thơm ngon của bánh và bánh không bị cứng.
Bảo quản bánh trung thu
Đối với những loại bánh trung thu tươi, bánh cổ truyền thường là không có chất bảo quản nên khi mua về hoặc được cơ quan, bạn bè tặng thì ăn ngay trong thời hạn sử dụng có ghi trên bao bì là ngon nhất.
Nếu gia đình có nhiều bánh quá hoặc muốn dự trữ để lúc thèm vẫn có bánh ăn thì nên làm theo 2 cách sau:
- Bánh trung thu khi mua về nếu muốn ăn ngay trong vài tuần thì có thể bỏ trong ngăn mát của tủ lạnh. Với nhiệt đô trong ngăn mát có thể bảo quản bánh khoảng một tháng mà không bị mốc bánh mà vẫn giữ được độ tươi của bánh.
- Còn nếu bạn muốn dự trữ bánh từ mùa này qua mùa khác để có bánh trung thu ăn quanh năm thì bạn bỏ vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này giúp cho bạn có thể bảo quản bánh lâu mà vẫn tươi ngon.
Cách xử lý bánh quy bị mềm
Để bánh được giòn trở lại, dùng máy sấy thổi vài phút, khi bánh nguội, bánh lại giòn như cũ. Cách khác là đặt bánh vào tủ lạnh sau 1 giờ, khi lấy ra ăn cũng giòn.
Hạt Tiêu tổng hợp
Ảnh: Cún Khang