Phim xuyên không là một kiểu mô-típ khá phổ biến của điện ảnh thế giới, nhất là ở các nước châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đặc điểm của thể loại phim này là nhân vật chính thường gặp một biến cố nào đó mà bị mang đến một chiều không gian hoặc thời điểm khác của lịch sử.
Trong những năm gần đây, phim xuyên không rất thu hút các khán giả Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Nhiều khán giả quá quen thuộc với những sản phẩm của nước bạn mà không để ý rằng, từ gần 10 năm trước, nước ta đã có nhiều bộ phim thú vị được sản xuất theo mô-típ này.
Võ Lâm Truyền Kỳ (2007)
Là một tác phẩm của hãng phim Phước Sang, Võ Lâm Truyền Kỳ dễ dàng đánh bại các đối thủ khác trong cùng thời điểm ra mắt. Lấy đề tài mang tính thời sự nóng bỏng về sự nở rộ của trò chơi trực tuyến và các game thủ, Võ Lâm Truyền Kỳ không chỉ gây chú ý vì mang tựa đề của game nhập vai võ hiệp online số 1 Việt Nam lúc bấy giờ; mà còn bởi dàn diễn viên hội tụ đông đảo các danh hài, ca sĩ nổi tiếng, đặc biệt là Đan Trường, Chi Bảo, Thái Hòa và Hoài Linh. Nội dung pha lẫn giữa thực và ảo, tính giải trí – gây hài vừa đủ chính là những thế mạnh tạo nên thành công cho bộ phim này.
Bộ phim xoay quanh nhân vật tên Thắng (Đan Trường), một sinh viên nhà nghèo nhưng lại không lo học mà chỉ thích chơi game online Võ Lâm Truyền Kỳ với nick "Anh hùng cờ lau". Thắng có quen cô nàng tên Bảo Hương (Kim Thư) trên mạng mà không hề biết đây là người yêu của lớp trưởng Minh (Chi Bảo). Minh cũng có chơi game Võ Lâm Truyền Kỳ cùng với những người bạn khác là Đông, Tây, Nga và Thúy. Nhóm bạn gặp nhiều mâu thuẫn xung quanh chuyện báu vật trong game và còn bị cuốn vào thế giới võ hiệp hư ảo tưởng như chỉ xuất hiện trong trò chơi quen thuộc này.
Nụ Hôn Thần Chết (2008)
Là một trong những bộ phim mang đến thành công và danh tiếng cho đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Nụ Hôn Thần Chết được xem như tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên lấy chủ đề xuyên không.
Phim kể về nhiệm vụ khó khăn của thần chết Du (Johnny Trí Nguyễn) khi phải từ địa ngục lên trần gian để thực hiện nụ hôn rút hồn cô gái xinh đẹp An (Thanh Hằng). Vì là phim chiếu Tết nên Nụ Hôn Thần Chết tập trung vào khai thác khía cạnh hài hước hơn là kinh dị. Sau khoảng 1 tháng công chiếu, phim thu về 16 tỉ đồng, trở thành phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất trong thời điểm bấy giờ.
Giải Cứu Thần Chết (2009)
Thừa thắng xông lên từ sự thành công của Nụ Hôn Thần Chết, Giải Cứu Thần Chết cũng trở thành bộ phim Tết rầm rộ nhất trong năm tiếp theo với sự tham gia của hai gương mặt ca sĩ trẻ đang nổi lúc bấy giờ là Chí Thiện và Minh Hằng. Vẫn là câu chuyện về chàng thần chết dưới địa ngục phải thực hiện nụ hôn tử thần với một cô gái cõi trần, nhưng lần này chàng ta không bước ra từ địa ngục, mà là từ... cuốn video phim Nụ Hôn Thần Chết.
Với cách khai thác trẻ trung hơn, phù hợp với tâm lí giới trẻ và bao hàm nhiều vấn đề thời sự, Giải Cứu Thần Chết tuy từng vướng nghi án đạo ý tưởng phim nước ngoài, đến ngày hôm nay vẫn được nhớ đến như một trong những tác phẩm học đường ấn tượng của màn ảnh Việt.
Thiên Sứ 99 (2011)
Hội tụ dàn sao teen nổi bật của showbiz Việt thời điểm 2011 như Huỳnh Anh, Khổng Tú Quỳnh, Ngô Kiến Huy, Diễm My 9X, Thiên Sứ 99 là một trong những bộ phim Tết mang tính chiến lược của Hãng phim Phước Sang khi phải cạnh tranh với hàng chục tác phẩm khác.