Có thể khẳng định ngay, HTC One M9 không phải một bản nâng cấp về thiết kế
mà chú trọng hơn đến trải nghiệm người dùng.
Bằng chứng là, máy vẫn dùng nguyên thiết kế vỏ kim loại giống thế hệ trước. Tuy nhiên, viền máy
được làm mỏng hơn. Nhờ đó, One M9 cũng thấp và hẹp hơn đôi chút so với M8.
Sản phẩm này mỏng 9,61 mm - con số khá lớn nếu so sánh với
những sản phẩm như iPhone 6.
Thiết kế vỏ ngoài của máy được gọi là ""two tone"" với màu cạnh bên khác màu vỏ sau.
Trước đây, từng có đèn flash ""two tone"" thì giờ đây, HTC có thêm vỏ "two tone".
Sau nhiều phàn nàn của người dùng, nút nguồn trên One M9 đã được đưa xuống cạnh bên.
Chưa rõ trải nghiệm ra sao, tuy nhiên, việc một hàng nút bấm liên tiếp đặt cùng một cạnh
khiến tính thẩm mĩ của nó giảm đi nhiều.
Theo HTC, đây vẫn là một trong những chiếc máy khó sản xuất nhất hiện nay. Phải mất
70 công đoạn và khoảng 300 phút để tạo ra một chiếc One M9 hoàn chỉnh.
Đây cũng là một trong những smartphone mạnh mẽ bậc nhất thị trường hiện nay.
One M9 là chiếc smartphone thứ 2 dùng chip xử lý Quyalcomm Snapdragon 810 ra mắt
thị trường. Chip này có 4 nhân tốc độ 2 GHz và 4 nhân khác tốc độ 1,5 GHz.
Tuy nhiên, camera mới là cải tiến đáng chú ý nhất của One M9. Camera này dùng cảm biến
20 megapixel của Toshiba với các điểm ảnh vuông mà theo Toshiba, nó có khả năng cho ra
những bức ảnh với độ nét cao hơn nhưng tiêu tốn ít pin hơn khi chụp. Trong khi đó,
camera Ultrapixel quen thuộc được đưa ra mặt trước.
One M9 vẫn sẽ đi kèm với phụ kiện DotView.
Cụm camera sau được làm dạng vuông, dùng kính sapphire bảo vệ. HTC đã chứng minh
họ chịu lắng nghe người dùng ra sao khi liên tục đưa ra những cải tiến nhỏ
nhưng quan trọng trên chiếc One M9.